Ý NGHĨA CỦA TIÊU CHUẨN EN ISO 20347

Nếu bạn là kỹ sư cơ khí, chắc hẳn bạn có trang bị một đôi giày bảo hộ. Giày bảo hộ của bạn – nếu là hàng nhập khẩu – thì khả năng cao là có chứng nhận EN ISO 20345. Nhưng có thể bạn chưa biết người ta còn sản xuất cả giày dép chuyên cho bệnh viện, khách sạn, nhà hàng… Và cũng có tiêu chuẩn dành cho loại giày dép này – đó là EN ISO 20347.

Tiêu chuẩn EN ISO 20347 là gì?

EN ISO 20347 đề ra những yêu cầu cơ bản và yêu cầu mở rộng (không bắt buộc) dành cho giày dép chuyên dụng. Giày dép ở đây không bao gồm giày bảo hộ có mũi chống dập ngón. Giày/ủng bảo hộ có mũi thép (hoặc vật liệu khác) sẽ được đánh giá và phân loại theo tiêu chuẩn EN ISO 20345 và EN ISO 20346.

Về bản chất thì tiêu chuẩn EN ISO 20347 chỉ đề ra những yêu cầu và phân loại dành cho giày dép chuyên dụng. Còn cách thức những bài test được thực hiện như thế nào thì được quy định trong tiêu chuẩn EN ISO 20344.

Những yêu cầu cơ bản của EN ISO 20347

Như đã đề cập ở trên là EN ISO 20344 cung cấp những các bài test cho EN ISO 20347. Các bài test này liên quan đến các thuộc tính của sản phẩm. Mẫu thử của mỗi bài test là một phần của sản phẩm (giày/dép/ủng) hoặc toàn bộ sản phẩm. Các bài test được chia thành các nhóm sau:

  • Thiết kế của sản phẩm
  • Toàn bộ sản phẩm
  • Phần thân
  • Lớp lót
  • Phần lưỡi
  • Insole (phần ngay bên dưới bàn chân người mang)
  • Phần đế

Mỗi nhóm bài test sẽ bao gồm nhiều bài test nhỏ. Ví dụ về nhóm “Lớp lót” thì bao gồm những bài test sau:

  • Lực căng
  • Chống hao mòn
  • Khả năng thoát và hấp thụ hơi nước
  • Độ pH
  • Tỷ lệ Crom VI

Mục đích của các yêu cầu cơ bản trong EN ISO 20347 là gì?

Những bài test có hai mục đích: (1) bảo đảm sản phẩm không gây nguy hiểm cho người mang. Bạn có thể thắc mắc là mục đích trên hơi thừa, vì giày dép nào mà chẳng an toàn. Đây là sản phẩm công nghiệp được chuẩn hóa vì vậy độ an toàn cho người mang cũng phải được chuẩn hóa. Mục đích này thể hiện qua các bài test về độ pH, tỷ lệ Crom VI, thiết kế công thái học và một số bài test khác.

(2) Mục đích khác của các bài test cơ bản đó là đảm bảo các tính năng của sản phẩm hoạt động đúng chức năng. Ví dụ điển hình là các bài test liên quan đến phần đế như khả năng chống hao mòn, chống gập, chống dầu, chịu nhiệt…

Phần kế tiếp mình sẽ nói về những yêu cầu mở rộng trong EN ISO 20347.

Những yêu cầu mở rộng trong EN ISO 20347

  • Khả năng chống đâm thủng của miếng lót (P)
  • Chống tĩnh điện ESD (C)
  • Chống tĩnh điện antistatic (A)
  • Cách nhiệt độ cao (HI)
  • Cách nhiệt độ thấp (CI)
  • Khả năng hấp thụ xóc của khu vực dưới bàn chân (E)
  • Khả năng chống thấm nước của phần thân (WR)
  • Đế chống dầu (FO)

(*) Mỗi tính năng sẽ có một ký hiệu tương ứng để dùng cho mục đích tham khảo và truy xuất nhanh.

Trên đây chỉ là những yêu cầu mở rộng thuộc tiêu chuẩn EN ISO 20347. Thực tế thì tiêu chuẩn EN ISO 20344 còn cung cấp các bài test mở rộng khác như:

  • Khả năng tiếp xúc với nhiệt độ cao của phần đế (HRO)
  • Khả năng chống cắt của phần thân (CR) (dành cho thợ sử dụng cưa máy cầm tay).

HRO và CI là hai trong những yêu cầu mở rộng trong tiêu chuẩn EN ISO 20345 và EN ISO 20346.

Tiêu chuẩn EN ISO 20347 phân loại như thế nào?

EN ISO 20345 phân loại ủng/giày bảo hộ theo các ký hiệu từ SB, S1, S2, S3, S4 và S5. Mỗi phân loại sẽ có những tính năng nhất định.

Trong EN ISO 20347 thì các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu cơ bản sẽ được phân loại với ký hiệu OB. Ngoài ra thì còn những phân loại như:

  • O1: giày dép bằng da kết hợp với những vật liệu khác + phần thân bao phủ chân + A + E + FO
  • O2: O1 + WR
  • O3: O2 + P + đế có gai
  • O4: giày dép được làm hoàn toàn từ cao su hoặc từ polymer + OB + A + E
  • O5: O4 + P + đế có gai

Năm phân loại ở trên là những phân loại được quy định sẵn trong EN ISO 20347. Các nhà sản xuất giày dép chuyên dụng có nhu cầu chứng nhận EN ISO 20347 không bị ràng buộc phải thiết kế giày dép theo các phân loại trên. Mình sẽ lấy ví dụ với sản phẩm Doria và Roy của thương hiệu Oxypas:

Ví dụ 1: giày Oxypas Roy thuộc phân loại O1. Thiết kế của Roy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phân loại O1 bao gồm: chất liệu da + phần thân giày bao phủ chân + chống tĩnh điện (A) + đế giảm xóc (E) + đế chống dầu (FO).

giay-bac-si-oxypas-roy-duoc-chung-nhan-en-iso-20347Giày Oxypas Roy được chứng nhận EN ISO 20347 (O1), thiết kế dành cho nam.

Ví dụ 2: dép y tá Oxypas Doria thuộc phân loại OB A + E. Dép Oxypas Doria tuy làm bằng da thật, ngoài ra còn tính năng chống tĩnh điện (A) và đế hấp thụ xóc (E) nhưng phần đế thì không chống dầu (FO). Về kiểu dáng, dép Doria là kiểu dép clog có quai hậu (một số người gọi là guốc) và không bao phủ hết chân của người mang.

dep-y-ta-oxypas-doria

Dép y tá Oxypas Doria

Tại sao chúng ta nên mua giày dép chuyên dụng có chứng nhận EN ISO 20347?

Crom VI là hóa chất phổ biến trong công nghiệp sản xuất da thuộc. Crom VI tồn tại ở nhiều nơi trong đời sống nhưng hầu hết ở nồng độ thấp, chưa gây nguy hiểm. Ở nồng độ cao thì Crom VI được xếp loại vào nhóm chất gây ung thư. Quá trình sản xuất da thuộc sẽ chuyển Crom VI thành Crom III – một chất được xem là an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu công nghệ sản xuất không đảm bảo thì sẽ có hàm lượng lớn Crom VI tồn dư.

Vậy nếu chúng ta mua giày da không được chứng nhận EN ISO 20347 thì làm thế nào để biết là có an toàn không? Crom VI rất độc nếu nuốt hoặc hít phải. Trường hợp tiếp xúc trên da thì có thể gây dị ứng. Hầu hết giày da nam thường có lớp lót bằng các loại sợi tổng hợp nên khả năng da chân tiếp xúc trực tiếp với da giày rất thấp. Trường hợp nếu mang giày da kiểu Oxford thì chúng ta cũng thường mang kèm vớ. Tuy nhiên, đối với giày nữ như giày búp bê thì rất ít người mang vớ hoặc nếu có thì vớ cũng rất mỏng nên rủi ro cao hơn. Vì vậy trong trường hợp phát hiện da chân có những triệu chứng như bị mẫn đỏ, ngứa, nổi mụn thì nên đặc biệt lưu ý.

Kết luận

Những giày dép được chứng nhận EN ISO 20347 được thiết kế để sử dụng trong các môi trường cần giày dép bảo vệ nhưng không yêu cầu mũi chống dập ngón và chống va đập. Một số môi trường điển hình là bệnh viện, nhà hàng, khách sạn…

Ở Việt Nam thì hầu hết giày dép có chứng nhận này đều là hàng nhập khẩu và giá tương đối cao. Hầu hết các bệnh viện tại Việt Nam không có chính sách trang bị giày dép cho nhân viên mà để họ tự trang bị. Hầu hết nhân viên cảm thấy thoải mái với việc tự trang bị giày dép. Nhưng ở góc độ người quản lý, trường hợp nhân viên bị tai nạn trượt ngã mà nguyên nhân do sử dụng giày dép kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất công việc. Thiệt hại càng lớn nếu đó là nhân viên cao cấp hoặc có tay nghề cao. Đây là một trong các rủi ro chúng ta cần cân nhắc khi để nhân viên tự trang bị giày dép.